UBND tỉnh Bình Dương vừa có tờ trình Bộ Xây dựng về việc đề nghị công nhận thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên đủ tiêu chí là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương. Theo đó, 2 đô thị Bến Cát và Tân Uyên đều có điểm đánh giá trên 90 điểm, theo 5 tiêu chí đánh giá mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

    Một góc thị xã Bến Cát.

     

    Bến Cát phát triển theo mô hình đa chức năng đa trung tâm

    Bến Cát có vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm tỉnh Bình Dương cách TP Hồ Chí Minh khoảng 50km, TP Thủ Dầu Một khoảng 20km và gắn kết chặt chẽ với trục hành lang kinh tế động lực QL13 (đại lộ Bình Dương) là tuyến giao thông trọng điểm dài hơn 140km nối TP Hồ Chí Minh. Hiện Bến Cát đang là đô thị loại IV, gồm 05 phường và 03 xã với quy mô diện tích tự nhiên trên 23.000ha.

    Theo quy hoạch, định hướng phát triển không gian đô thị của Bến Cát tập trung ở 6 khu vực chính là: Khu trung tâm (trước mắt vẫn là khu Mỹ Phước hiện nay, đến năm 2020, sẽ bố trí vị trí mới để phục vụ nhu cầu hành chính cho việc thành lập quận Bến Cát); khu vực dọc các trục đại lộ Bình Dương, đường ĐT748, đường Mỹ Phước – Tân Vạn là khu vực phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ chất lượng cao; khu vực dọc trục đường ven sông Sài Gòn và sông Thị Tính là các khu đô thị trong đó nhà ở kết hợp với du lịch sinh thái, thương mại, dịch vụ cao cấp chất lượng cao. Ngoài ra, xây dựng và phát triển khu du lịch sinh thái hồ Cây Chay, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ An Tây theo Quyết định của UBND tỉnh…

    Trước mắt, Bến Cát ưu tiên cải tạo, chỉnh trang gắn với các dự án phát triển đô thị để tạo điểm nhấn không gian đô thị và kết nối với các vùng lân cận, tại các khu vực: Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa, An Tây, An Điền, Phú An. Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để quản lý, đầu tư hạ tầng, quảng bá thu hút đầu tư.

    Bến Cát xác định hình thái đô thị thuộc khu vực đô thị trung tâm, nên xây dựng theo mô hình “đa chức năng, đa trung tâm” với mật độ trung bình, có chức năng đô thị là công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp. Không gian đô thị Bến Cát sẽ bố trí các công trình giáo dục, dịch vụ công nghiệp, cảng sông, nhà ở… xây dựng Trường Đại học Việt Đức và Đại học Thủ Dầu Một. Ngoài ra chú trọng phát triển thương mại dịch vụ trên các hành lang đường vành đai 4, đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường đại lộ Bình Dương…

    Sau khi hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại III thì Bến Cát tiếp tục hướng tới xây dựng đô thị loại II trước năm 2020, để tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương. Trong đó, phát triển đô thị một cách bền vững, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên đất, nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường.

    Ông Huỳnh Thư Lập – Phó Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát cho biết: Đến nay Bến Cát đã đủ các tiêu chí để được công nhận là đô thị loại III với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục các điều kiện trở thành đô thị vệ tinh hiện tại cho thành phố thông minh Bình Dương sau năm 2020.

    Thời gian qua, công tác chỉnh trang và quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thị xã và các phường đã dần đi vào chiều sâu, phù hợp với tốc độ phát triển của thị xã. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các phường đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường… từng bước hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng trên địa bàn.

    Qua đánh giá các tiêu chuẩn của 05 tiêu chí Bến Cát đạt 90,33/100 điểm. Tuy nhiên vẫn còn 2 tiêu chuẩn không đạt là diện tích sàn nhà ở bình quân và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. Những tiêu chí chưa đạt hoặc đã đạt nhưng vẫn còn thấp sẽ tiếp tục phấn đấu, tập trung đầu tư nâng cao tỷ lệ trong thời gian tới.

    Tân Uyên hướng đến đô thị văn minh, hiện đại

     

    Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Tân Uyên nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra là xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III trước năm 2020.

    Để trở thành đô thị loại III, Tân Uyên đã tập trung phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, văn minh, hiện đại; Huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đặc biệt khai thác tối đa lợi thế từ hạ tầng kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

    Thị xã Tân Uyên có diện tích tự nhiên trên 19.000ha với 12 xã, phường có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội và an ninh quốc phòng, là đô thị dịch vụ thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và vùng liên tỉnh.

    Từ khi được công nhận là đô thị loại IV đến nay, Tân Uyên đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật với nhiều công trình công cộng như: Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống giao thông đô thị, các tuyến đường đối ngoại kết nối thị xã với các tuyến đường quốc gia, hệ thống cấp nước, thoát nước, công trình xử lý nước thải, rác thải, điện chiếu sáng, công viên dọc sông Đồng Nai… Từ đó tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và làm động lực để phát triển kinh tế – xã hội thị xã Tân Uyên nói riêng và cho cả tỉnh Bình Dương.

    Qua rà soát, phân tích, đánh giá, tổng hợp hiện trạng và đối chiếu với 5 tiêu chí theo quy định thì Tân Uyên đạt 90,44/100 điểm. Do đó đủ tiêu chuẩn để được công nhận là đô thị loại III, điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương và đánh giá đúng vị thế, thực tiễn phát triển của thị xã. Từ đó tạo cơ hội cho Tân Uyên phát huy những yếu tố tiềm năng, phát triển kinh tế – xã hội trong kế hoạch chiến lược trung hạn và dài hạn, tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ…

    Tuy nhiên, hiện vẫn còn các tiêu chuẩn không đạt điểm bao gồm: Diện tích sàn nhà ở bình quân; đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lỷ đạt quy chuẩn kỹ thuật và nhà tang lễ; Các tiêu chuẩn của 5 tiêu chí chưa đạt hoặc đã đạt nhưng vẫn còn thấp sẽ tiếp tục phấn đấu, tập trung đầu tư nâng cao tỷ lệ trong thời gian tới.

    Theo lãnh đạo thị trấn Tân Uyên, với mục tiêu đưa thị xã trở thành đô thị loại III thời gian qua đã ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, văn minh, hiện đại.

    Cùng với đó là mở rộng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, chỉnh trang các vùng sản xuất công nghiệp, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường; Quy hoạch hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…

    Sắp tới cũng sẽ quy hoạch phát triển du lịch sinh thái cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng, du lịch ven sông Đồng Nai và phát triển nông nghiệp đô thị, vùng bưởi đặc sản Tân Uyên.

    TPH